Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Loạn thông tin “trái thần kỳ” chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều người dân TPHCM rỉ tai nhau tìm mua “trái thần kỳ” để thử cảm giác ăn chanh... không chua và chữa bệnh. Chúng tôi tìm đến một số chợ để hỏi mua hàng nhưng không thấy ai bán.
Cây “thần kỳ” đang ra trái, mỗi trái nhỏ bằng hạt đậu phộng giá 15.000 đồng/trái.

Chỉ đến khi truy cập internet, gõ từ khóa “cây thần kỳ”, “trái thần kỳ”, chúng tôi đã dễ dàng tìm được số điện thoại, địa chỉ bán... “trái thần kỳ”.

Anh C., người chuyên trồng và bán cây - trái thần kỳ, cho biết: Trái có vị ngọt, chua, chát lẫn lộn. Cây dễ trồng như cây mai, chỉ cần để ngoài nắng, tưới nước đều đặn là cây phát triển tốt.

Chúng tôi hỏi mua, anh C. đặt vấn đề: Nếu mua số lượng lớn sẽ được giao hàng tận nơi, nếu mua ít thì đến điểm bán hàng (phường 6, quận Bình Thạnh). Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ với địa chỉ này để mua... ăn thử thì bị từ chối với lý do: Mùa này cây rất ít trái, cửa hàng không bán lẻ mà chỉ bán cây có trái.

Khoảng 2 tháng nữa trái chín rộ mới bán lẻ cho khách, giá 15.000 đồng - 20.000 đồng/trái. Riêng cây giống thì muốn bao nhiêu cũng có, giá từ 100.000 đồng/cây trở lên. Còn cây có hoa, có trái, giá từ 1 triệu - 3 triệu đồng/cây.

Theo chủ nhân số điện thoại 0903111... người rao bán “trái thần kỳ” trên mạng internet, loại trái này có công dụng trị tiểu đường và cao huyết áp.

Chẳng hạn, người bị bệnh tiểu đường, mỗi ngày ăn 1 - 2 trái sẽ không còn cảm giác thèm ngọt và có thể thoải mái ăn các loại trái cây có vị chua. Sau khi ăn trái này, trong vòng 30 - 60 phút thì nếu ăn bất cứ thức ăn gì có vị chua, hơi đắng đều thành ngọt.

Chẳng hạn: Chanh ngọt như kẹo; nước cam, nước chanh không đường có vị ngọt rất ngon... Một số người còn cho rằng người tiểu đường và ăn kiêng có thể sử dụng trái mà không cần đường, thậm chí còn tốt cho bệnh nhân ung thư bởi làm lấp đi vị kim loại trong miệng do hóa trị liệu.

Theo các nhà khoa học, “cây thần kỳ” có tên khoa học là Synsepalum Dulcificum. Cây thuộc loại tiểu mộc, chậm phát triển, trồng từ 3-4 năm sẽ cho trái. Hoa nhỏ, màu trắng, có mùi thơm nhẹ. Trái chín đỏ, bóng, mọng nước. Trái có tác dụng kích thích các gai vị giác trên lưỡi và khiến cho thức ăn, thức uống có vị chua đều thành ngọt.

Bác sĩ Trần Hữu Vinh, Bệnh viện Y dược học dân tộc TPHCM, cho biết: tại Việt Nam, loài cây này chưa có tên trong danh mục cây thuốc và chưa có công trình nghiên cứu công dụng của trái. Người dân có thể sử dụng loại trái cây này nhưng không nên lạm dụng hoặc quá tin tưởng vào khả năng “chữa bệnh” của nó.

Theo Thanh Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét