Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

10 Cây thuốc bổ ( sâm )


Nhân sâm 
 
Panax ginseng CA Mey thuộc họ Ngũ gia bì (araliaceae). Cây thân thảo sống nhiều năm. Đông y coi là vị thuốc hàng đầu trong các vị thuốc bổ theo thứ tự Sâm, Nhung, Quế, Phụ. Chữ ginseng là phiên âm của chữ nhân sâm, thuốc bổ có rễ giống hình người, chữ panax là từ gốc Hy lạp: Pan là tất cả; Acox là chữ ý nói vị thuốc chữa được mọi bệnh. Theo sách cổ đông y, Nhân sâm bổ cả 5 tạng tâm, can, tỳ, phế, thận. Trước kia Nhân sâm có xuất xứ từ Triều tiên, nay các nước Nga, Mỹ, Nhật, Trung quốc đều trồng Nhân sâm đặc biệt ở Trung Quốc có năm sản lượng lên tới 750 tấn củ khô. Thị trường Việt Nam hiện có bán rộng rãi Nhân sâm, nhiều nhất là Nhân sâm Hàn Quốc và Trung Quốc.
 
Nhân sâm Việt Nam  
 
Tên khác: Sâm K5, Sâm Ngọc linh, Panax vietnamensis Hà et Gusk, thuộc họ Ngũ gia bì (araliaceae), Cây thân thảo, sống nhiều năm do DS Đào Kim Long, Nguyễn Bá Hoạt, Nguyễn Châu Giang phát hiện đầu tiên tại rừng Ngọc Linh (Kon Tum) năm 1973. Đến năm 1985, Hà và Grushvisky đã nghiên cứu và đặt tên như trên. Theo Nguyễn Thới Nhâm (1990) và Nguyễn Minh Đức (1994) thì xét theo các hoạt chất tiêu biểu của chi Panax: những arasaponin đặc biệt là Damaran saponin và Ocotillol saponin thì Sâm Ngọc Linh có hàm lượng cao hơn Nhân sâm Mỹ, Trung Quốc và nhất là đến nay người ta chưa tìm thấy Ocotillol saponin trong Nhân sâm Triều Tiên. Điều đó cho thấy chất lượng của Sâm Ngọc Linh ưu việt hơn nhiều loại Nhân sâm trên thế giới. Nhiều tỉnh phía Nam đang tích cực khôi phục Sâm Ngọc Linh và đẩy mạnh trồng trọt để có sản lượng cao và chiếm thị phần trên thế giới.
 
Tam thất 
 
Tên khác: Sâm tam thất, Nhân sâm Tam thất, Kim bất hoán, Panax notoginseng Burk, họ Ngũ gia bì (araliaceae), cây thân thảo, sống lâu năm; gọi Nhân sâm Tam thất vì nó bổ như Nhân sâm; gọi Kim bất hoán vì là vị thuốc quý, vàng không đổi, còn chữ Tam thất có thể hiểu là lá kép có từ 3 đến 7 lá chét hoặc 3 năm ra hoa, 7 năm thu hoạch mới được củ tốt. Theo các công trình nghiên cứu và kinh nghiệm nhân dân, Tam thất là vị thuốc bổ không kém gì Nhân sâm, dùng nhiều Tam thất không bị tăng huyết áp như khi dùng nhiều Nhân sâm. Tam thất lại có tác dụng cầm máu  và tạo huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, phụ nữ sau sinh đẻ mau sạch kinh, người bị đòn đau tổn thương mau bình phục.
 
Cây chân chim
 
Tên khác: Nam sâm, Sâm nam, Ngũ gia bì chân chim.
Schefflera octophylla Lour thuộc họ Ngũ gia bì (araliaceae). Cây thân gỗ cao từ 2m đến 8m, có lá kép hình chân vịt mọc so le trên cành; lá và rễ cây chân chim có tác dụng tăng lực, kích thích thần kinh và hạ đường huyết (Nguyễn Văn Đàn và cộng sự, Kỷ yếu công trình nghiên cứu Viện Dược liệu 1961-1971) Nhân dân thường lấy rễ về phơi khô, sắc uống làm thuốc bổ tăng lực và thông tiểu tiện.
 
Bố nhân sâm
 
Tên khác: Sâm thổ hào, Sâm báo Hibicus sagitlifolius Kurz thuộc họ Bông (Malvaceae). Cây thân thảo, mọc hoang và được trồng ở Bố Trạch (Quảng Bình) nên có tên là Bố chính sâm; Núi Báo (Thanh hoá) nên có tên là Sâm báo; Thổ Hào (Nghệ An) nên có tên là Sâm Thổ Hào...Nhân dân quen dùng Bố chính sâm làm thuốc bổ, chữa ho, sốt nóng, trong người khô táo, khát nước gầy còm, một số cụ lang còn dùng làm thuốc lợi tiểu, điều kinh, chữa sốt, bệnh phổi và bạch đới.
 
Đảng sâm
 
Tên khác, Phòng đảng sâm, Lộ đảng sâm, Xuyên đảng sâm, Codonopsis sp thuộc họ Hoa chuông (Campanulaceae) Cây thân cỏ, sống lâu năm, thân leo mọc ở vùng núi cao mát lạnh. Đông y dùng Đảng sâm thay cho Nhân sâm làm thuốc bổ, thiếu máu, da vàng, bạch huyết, viêm thượng thận, nước tiểu đục, chân phù đau. Trung Quốc gọi Đảng sâm là Nhân sâm của người nghèo vì bổ như sâm nhưng giá lại rẻ.
 
Đan sâm
 
Tên khác: Xích sâm, Huyết sâm, Huyết căn. Salvia multiorrhiza Bunge thuộc họ Hoa môi (Lamiaceae). Đan là đỏ, Sâm là bổ như Sâm. Vì thế cây này có tên là Đan sâm. Cây thân thảo, di thực từ Trung Quốc, đã trồng được ở Sapa, Tam Đảo và Văn Điển. Cây này được dùng làm thuốc bổ máu, chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh huyết ứ. Theo sách cổ đông y Trung Quốc, Đan sâm độc vị có thể thay cho cả tứ vật gồm Đương quy, Địa hoàng, Xuyên khung, Bạch thược. Công ty dược phẩm Traphaco có sản xuất viên Đan sâm - Tâm thất dùng rất tốt cho bệnh nhân bị đau thắt ngực, đau nhói vùng tim do ứ huyết, thiểu năng động mạch vành, cảm giác ngột ngạt trong ngực.
 
Huyền sâm
 
Tên khác: Hắc sâm, Nguyên sâm
Serophularia huergeniara Mig, Serophularia ningpoeusis Heslm, họ Hoa móm chó (Serophulariaceae).  Cây thân thảo, thân vuông, lá mọc đối, hoa màu tím, rễ củ màu đen nên có tên là  Huyền sâm; cây di thực từ Trung quốc, đã trồng được ở Sapa, Tam đảo, Thanh Trì. Huyền sâm có tác dụng tư âm, giáng hoả, trừ phiền, chỉ khát, giải độc, lợi yết hầu, nhuận táo, hoạt trường dùng chữa các bệnh nhiệt, phiền khát, sốt cao, yết hầu sưng đau, ung thũng, tràng nhạc và táo bón.
 
Sâm đại hành
 
Tên khác: Tỏi lào, Hành lào, Kiệu đỏ. Eleutherine subaphulla Gagnep, thuộc họ Lay ơn (iridaceae). Cây cỏ, sống lâu năm, thân hành, có dò (củ) hình trứng giống như củ hành  nhưng dài hơn, màu đỏ nâu, mọc hoang và được trồng ở khắp các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ. Sâm đại hành dùng làm thuốc bổ máu, chữa mệt mỏi tiêu độc, kháng sinh, chống viêm, dùng dưới dạng nước sắc, ngâm rượu uống hoặc chế thành viên.
 
Cát sâm
 
Tên khác: Pissenlit maritime (Bồ công anh biển), Salade des dunes (rau sà lách của cồn cát) Launae pinatifida Cass thuộc họ Cúc (asteraceae). Cỏ sống lâu năm, có rễ mềm mọc thẳng, lá giống lá cải cúc, mọc hoang ở các bờ biển. Sa là cát, loại cây bổ như sâm lại mọc trên cát nên có tên là Sa sâm. Nhân dân dùng làm thuốc bổ phổi, chữa ho, trừ đờm, chữa sốt, thông tiểu tiện; có nơi nhân dân ăn sống như ăn sà lách; có nơi dùng rễ phơi khô sao vàng sắc uống cho mát phổi (giải nhiệt)
 
Sâm cau
 
Tên khác: Ngải cau. Curculigo orchioides Gaertn thuộc họ Thuỷ tiên (Amaryllidaceae). Cây thân cỏ, có thân ngầm hình trụ, lá hình mác giống lá cau nên có tên là Sâm cau. Nhân dân dùng làm thuốc bổ, chữa ho, trĩ, vàng da, đi ỉa lỏng; thường lấy thân thái lát mỏng, sao thơm sắc uống hoặc ngâm rượu uống trước bữa ăn hàng ngày.
 
Thổ cao ly sâm
 
Tên khác: Đông dương sâm, Giả nhân sâm, Sâm thảo, Thổ nhân sâm. Tatinul crassifolium Willd thuộc họ Rau sam (Portulacaceae). Cây cỏ, mọc hàng năm hoặc lâu năm. Lá mọc so le hình chùm màu đỏ, tím nhạt, quả chín màu xám tro. Kinh nghiệm nhân dân dùng làm thuốc bổ, chữa ho; lấy rễ cạo sạch và lá nấu canh thịt ăn ngon như rau mồng tơi.
 
GS.TS Đỗ Tất Lợi
(Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam)
 
Nguyễn Đình Cán (st)_ CTQ số 74

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét