http://www.rfviet.com/forum35/showthread.php?t=22193
DS Trần Việt Hưng
Vị thuốc với nhiều huyền thoại..
Trầm Hương và Kỳ Nam là những sản phẩm rất quý giá và hiếm hoi được xếp vào những bảo vật.. Việc tìm Trầm đã từng là những bí mật, với nhiều huyền thoại lạ lùng.. Trầm đã được xem là hiện thân của Thiên Y Thánh mẫu Poh Naga (Thiên Y Ana của người Chàm).. Đi tìm Trầm, còn được gọi là đi điệu, và phải tuân theo những nghi lễ cúng tế đặc biệt.. như cúng Thần Rừng , kiêng cử nhiều điều mới hy vọng tìm được trầm, khi tìm được Trầm còn phải cúng tế, tạ ơn v.v...và còn phải ngậm ngải để tránh thú dữ như cọp beo (!) Trầm đã được dùng làm lễ vật để cung hiến cho Trung Hoa trong những thời kỳ Bắc thuộc, dùng làm những tặng phẩm ngoại giao (nhất là trong Thế kỷ 17). Văn chương và Tôn giáo cũng nhắc nhở đến Trầm..Lý Bạch từng viết Trầm Hương Đình bắc ỷ lan can để nhớ đến Đình Trầm, là nơi mà Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi thưởng ngoạn hoa mẫu đơn, nghe nhạc.. (Vì Trung Hoa không có gỗ Trầm, nên chắc..gỗ dựng Đình phải từ Việt Nam ?). Cây bois d'aloes hay Aloe wood trong Thánh Kinh, cung cấp chất trầm hương để ướp xác Chúa Jesus chính là cây Trầm của vùng Đông Nam Á (một số dịch giả đã dịch sai thành cây Lư Hội, là một cây thuốc khác hẳn..)
Trầm hương, Aquilaria agallocha, thuộc họ thực vật Thymelacaceae, còn được gọi là cây Gió Bầu. Gió bầu mọc hoang trong những vùng rừng núi miền Trung Việt Nam, tại Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình định, Phú Yên, Phan Rang, Phan Thiết ; và hiếm hơn tại An giang, Kiên giang..Vùng nổi tiếng nhất về Trầm là Vạn Giả, Tu Bông ( Mưa Đồng Cọ, gió Tu Bông) với những ngọn gió đưa hương Trầm về tận Khánh Hoà, Nha Trang..Tại Trung Hoa, Trầm Hương được lấy từ Aquilaria sinensis (Bạch mộc hương), mọc tại vùng Quảng Đông, Hải Nam, phẩm chất kém hơn Trầm của Việt Nam..Tại Ấn Độ, trầm hương được lấy từ một cây khác hẳn :Excoecaria agallocha thuộc họ Euphorbiacea (Xem phần dưới)
Gió bầu thuộc loại cây thân mộc, cao đến 30-40 m, đường kính thân cỡ 70-80 cm. Vỏ thân màu xám tro. Lá mọc so le, phiến lá mỏng, hình bầu dục thuôn ngọn nơi gốc 8-10 cm x 3-5 cm , mặt dưới lá màu nhạt hơn mặt trên, có lông. Hoa mọc thành cụm hình tán nơi nách lá, màu trắng xám. Quả thuộc loại nang chứa 1 hạt.
Tiến trình tạo Trầm Hương và Kỳ Nam :
Trầm hương được tạo thành trên thân Gió bầu qua một số điều kiện của môi sinh chưa được hoàn toàn hiểu rõ :
Có lý thuyết cho rằng phân chim rơi xuống, tụ lại tại những nạng ba nơi thân, nhánh lớn gây bệnh cho cây : cây tiết ra chất dầu, tụ lại để chống bệnh, và từ đó tạo ra trầm hương.
Lý thuyết cơ học cho rằng cây phản ứng lại những vết thương ở rễ, thân cành, do thợ rừng chặt, đẽo, bằng cách tiết ra chất nhựa quanh vết thương, qua hàng chục có khi hàng trăm năm, kết hợp với nắng mưa, sương gió..nhựa ngấm dần vào thân cây.. để tạo ta Trầm, Kỳ..
Lý thuyết có căn bản nhất cho rằng Gió bầu bị nhiễm loài nấm Cryptoshaerica mangifera, hủy hoại dần cấu tạo gỗ, quy tụ chất dầu, tạo thành nhựng túi dầu, để từ đó trở thành Trầm.. (Tuy nhiên, khi cấy nấm vào thân cây tươi lại chưa thể tạo ra..Trầm như dự tính!)
Những túi dầu tạo ra nơi thân Gió bầu có thể, tùy theo điều kiện thiên nhiên để trở thành Trầm hay đặc biệt hơn thành Kỳ Nam. Theo thời gian, dầu kết tụ càng ngày càng nhiều; cây gió có thể già và chết khô, thân mục dần và tự hủy, để lại những khúc Trầm hoặc những miếng Kỳ Nam..
Tên gọi của những loại Trầm cũng thay đổi :
Trầm mắt kiếng để gọi những khúc gỗ có lỗ và lởm chởm..
Tốc là tên gọi những khúc gỗ thơm do dầu bắt đầu quy tụ tạo thành những đốm : nếu đốm hình dạng như hoa thì gọi là Tốc hoa; đốm đen đều, như bồ hóng thì là Tốc lọ nghẹ.. rồi còn Tốc đá, Tốc hương v.v..
Kỳ nam cũng được phân hạng khác nhau tùy theo màu sắc khi cắt ngang miếng gỗ chứa dầu : Bạch kỳ nam, lõi cắt ngang màu mốc trắng ngà, mềm nhiều dầu được xem là quý nhất, rồi đến Thanh kỳ nam, màu xanh; Huỳnh kỳ nam vàng, cứng và Hắc kỳ nam, màu đen, cứng chắc..
Thành phần hóa học :
Thành phần chính là Tinh dầu (13%) trong đó có Benzylaceton (26%); Methoxy benzylaceton (53%); Alcohol terpenic (11%) và Cinnamic acid cùng các chất dẫn xuất., anisic acid.; Agarospirol, Agarol, Agarofuran, Agarotetrol, Nor-ketoagarofuran..
Tinh dầu trích từ Aquilaria sinensis còn có thêm những Sesquiterpinoid như Isobaimuxinol, những chất chuyển hóa loại 2-(2-phenylethyl) chromone.
Tác dụng Dược học :
Trầm, theo Y học Tây Phương, hầu như không có tác dụng dược học đáng kể và chỉ là nguyên liệu quý trong kỹ nghệ nước hoa, mùi hương.. làm nhang (hương) loại tốt dùng cúng tế. Tuy nhiên những nghiên cứu mới tại Nhật và Trung Hoa cũng tìm được vài dược tính đáng chú ý:
Tác dụng trên Hệ Thần kinh trung ương :
Nghiên cứu tại Viện Đông Y Hyogo (Nhật) so sánh các trích tinh Gỗ trầm bằng benzen, chloroform. Petroleum ether và nước cho thấy trích tinh bằng benzen có khả năng làm giảm hiệu ứng tạo cử động đột ngột ( hậu quả từ tác động kéo dài thời gian ngủ gây ra bởi hexobarbital); làm hạ nhiệt độ cơ thể, và ức chế được các phản ứng gây ra khi cho uống acetic acid nơi chuột thử nghiệm..Những tác dụng này được cho là do ở phản ứng gây đè nén Thần kinh trung ương (Planta Medica Feb-1993).
Tác dụng trên các Phản ứng dị ứng :
Nghiên cứu tại Đại học Dược Wonkwang (Iksan, Nam Hàn) ghi nhận trích tinh gỗ Trầm bằng nước có tác dụng giài trừ dị ứng khá mạnh : ức chế được các phản ứng dị ứng ngoài da, dị ứng tạo ra bởi hợp chất 48/80 và ức chế được sự bài tiết histamine từ các tế bào mast cell nơi màng phúc toan của chuột. (J.Ethnopharmacology Sep-1997).
3- Tác dụng Kháng u-bướu : Theo Journal of Natural Product (Sep 1981) các chất glycerid 1,3-dibehenyl-2-ferulul và 12-O-n-deca-2,4,6-trienol phorbo-1,3-acetate trong gỗ Gió bầu có tác dụng diệt được các tế bào bướu ung thư.
Khả năng kháng vi trùng:
Nước sắc trầm hương có khả năng ức chế rất mạnh sự tăng trưởng của các vi trùng Mycobacterium tuberculosis (Lao) và Shigella flexneri.
Trầm hương trong Đông dược :
Theo Đông Y cổ truyền trầm hương (Chen xiang; Nhật dược gọi là Jinko Đại Hàn là Chimhyang) có vị cay/chua, tính ấm và tác dụng vào các kinh mạch thuộc Thận, Tỳ và Vị. Trầm hương được ghi chép trong Minh Y Biệt Lục như một vị thuốc thượng đẳng.
Trầm hương có những tác dụng trị liệu :
Kích khởi sự chuyển động của Khí, và làm giảm đau nhức: khi Khí bị ứ tắc với những triệu chứng đau, căng tức, hay nặng ứ nơi vùng thượng vị và bụng dưới. Trầm hương rất hữu hiệu trong các trường hợp nhiễm Hàn do Suy và Ứ Huyết. Thường dùng phối hợp với Ô Dược (Wu-yao= Linderae Strychnifoliae) để trị đau và căng tức bụng dưới, tức ngực..
Hướng và dẫn Khí loạn về phần Hạ, đồng thời điều hòa phần Trung trong các trường hợp Khí loạn gây khò khè, tạo buồn nôn, tức bụng và nấc cụt vì hàn do suy Khí nơi Tỳ và Vị. Dùng phối hợp với Semen Raphani Sativi (Hạt cải củ = La bặc tử) , để trì khò khè do Khí nghịch gây ứ tắc nơi Phế hay do Thận suy không điều hòa được Phế khí. Dùng chung với Folium Perillae (Lá tía tô) để trị nấc cụt do lạnh bao tử hay lạnh do suy Tỳ, suy Vị.
Giúp Thận thu nạp Khí (năng liễm nạp Khí xuống, tăng sức vận hòa của Thận và Tỳ), bổ Thận khí : dùng trị Suyễn và khò khè do Thận suy.
Trầm hương được dùng trong các toa: Si mo Tang và Jie Zhen tang
Ghi chú :
Đông dược (nhất là tại Đài loan) và Dược học Ayurvedic cũng dùng một dược liệu khác Excoecaria agallocha thuộc Họ Thực vật Euphorbiaceae để thay thế cho trầm hương. Tại Việt Nam, cây được gọi là Cây Giá: đây là một cây trung bình thuộc loại bụi mọc tại cac vùng nước lợ, rừng ven biển, các bộ phận của cây đều chứa nhựa độc, có thể dùng để thuốc cá; tuy nhiên cây lớn có thân gỗ trắng, khi già đốt có mùi thơm trầm. Tại Ấn Độ, cây được gọi là Agaru, toàn cây: ép lấy nước, nấu trong dầu dùng làm thuốc thoa trị phong thấp, phong cùi; Lá nấu lấy nước đắp vết thương lở loét.
Vài nghiên cứu về Excoecaria agallocha :
Các hoạt chất loại diterpenes (17 loại đã được ly trích từ gỗ Excoecaria) đã được thử nghiệm Tại Đại Học Dược Kyoto (Nhật) về tác dụng chống u-bướu trong đó chất đáng chú ý nhất là ent-3betahydroxy-15-beyeren-2-one có khả năng ức chế siêu vi Epstein-Barr rất mạnh, và chống bướu gây ra bởi 7,12 dimethylbenz[a] -anthracene (DMBA) thử nơi chuột (Biol Pharm Bull Dec/2001)
Tài liệu sử dụng :
Chinese Herbal Medicine Materia Medica (D Bensky)
Oriental Materia Medica (Hsu)
Từ điển Cây Thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
Y-Học Thường thức Số 38, Tháng 5-6/2000
Medicinal Plants of India (SK Jain & R. DeFillipps)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét