http://tintuc.xalo.vn/00350800026/su_that_ve_tram_huong_va_ky_nam.html
Phó giáo sư (PGS) Đinh Xuân Bá là người nghiên cứu rất kỹ về trầm hương, kỳ nam. Ông là người đã và đang triển khai nghiên cứu hàng loạt đề tài khoa học về trầm, kỳ cấp Nhà nước. Ông cũng là người đi tiên phong trong việc trồng cây dó bầu lấy trầm và hiện tại ông đang phát triển trang trại rộng hàng trăm hécta, toàn giống cây dó bầu cho chất lượng trầm tốt ở Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Trầm hương là gì?
Những nhà nghiên cứu, sản xuất trầm, kỳ ở nước ngoài thì không lạ gì cái tên Đinh Xuân Bá. Ông rất ít xuất hiện trước báo giới, vả lại hầu như ông chỉ làm việc với giới hiểu biết về trầm, kỳ ở nước ngoài mà thôi.
Ông là người Việt Nam đầu tiên lập trang web giới thiệu về trầm, kỳ và những sáng chế của ông trong việc chiết xuất, sử dụng loại hương liệu quý này từ khi Việt Nam còn chưa có Internet. Trang web của ông được lập ở nước ngoài và toàn bộ thông tin đều bằng tiếng Anh, vì thế, người nước ngoài biết về ông nhiều hơn người Việt Nam cũng dễ hiểu.
Những cuộc hội thảo lớn về trầm, kỳ trên thế giới người ta đều mời ông với tư cách nhà khoa học, và ông cũng đã được đến hầu hết những nơi sản xuất, nghiên cứu, chế biến trầm, kỳ cũng như những thị trường tiêu thụ lớn nên không gì có thể phủ nhận khả năng và sự hiểu biết sâu sắc của vị PGS này về trầm, kỳ.
Trong căn phòng nhỏ, bừa bộn những loại máy móc chiết xuất, chế biến trầm, kỳ, rất nhiều khúc gỗ có chứa tinh dầu trầm bày biện trên mặt tủ, cùng vô vàn chai lọ chứa tinh dầu trầm. Ngôi nhà 59 Hàng Chuối, Hà Nội, lúc nào cũng thoảng mùi trầm.
PGS Đinh Xuân Bá tỏ ra bức xúc khi rất nhiều báo chí liên tục viết về trầm, kỳ, kể cả dẫn lời phát biểu của những nhà khoa học, song đều thiếu chính xác, cảm tính, nghe theo lời đồn của cả trong nước và trên các trang web quốc tế.
Một khối trầm hương bày bán ở Thái Lan.
Theo ông Bá, trầm, kỳ không có giá trị “khủng khiếp” và tác dụng huyền bí như một số báo chí vẫn nêu. Sau khi dự hội thảo quốc tế về trầm hương ở Thuỵ Sĩ, ông đã quyết định lên tiếng khẳng định giá trị thực của trầm hương để người dân cả nước được biết, cảnh giác trước các trò lừa đảo của giới buôn bán trầm, kỳ.
Theo PGS Đinh Xuân Bá, có tới 28 loài thuộc chi Aquilaria có thể cho trầm. Những loài này có mặt ở 15 nước trên thế giới. Riêng Việt Nam có 6 loài. Aquilaria Crassna là loài quý nhất trong nhóm, chỉ có mặt ở 4 nước, trong đó Việt Nam có nhiều nhất và quý nhất. Sở dĩ loài Crassna quý nhất là vì nó sản sinh ra trầm tốt, mà người đời vẫn gọi bằng cái tên khác là kỳ nam.
Những loại cây dó bầu cho trầm, kỳ mọc tập trung ở những vùng núi hướng ra phía có gió biển, do vậy trầm xuất hiện nhiều ở Đông Trường Sơn hơn là Tây Trường Sơn. Trầm, kỳ là sản vật của vùng Bình Trị Thiên, Phú Yên, Khánh Hoà, Lâm Đồng và đảo Phú Quốc cũng có.
Hầu hết các nhà khoa học đều cho rằng trầm, kỳ hình thành bởi cây dó tiết ra nhựa nhằm tiêu diệt côn trùng và các loại nấm để bảo vệ vết thương. Quá trình này diễn ra rất chậm, từ 50 năm đến hàng thế kỷ. Một số ý kiến khác thì cho rằng, do thân cây dó bị bọng, loài ong, kiến làm tổ ở đó, tha mật về ăn. Hương mật ngấm vào thịt cây dó lâu ngày rồi hoà trộn với nhựa cây mà kết thành trầm hương, kỳ nam.
Lại có ý kiến cho rằng, trầm kỳ là sản phẩm đặc biệt được hình thành từ lõi cây dó bầu do việc tích tụ tinh dầu. Việc cây dó tạo trầm như thế nào vẫn là điều bí hiểm, cần có quá trình nghiên cứu lâu dài để khám phá, tuy nhiên, theo PGS Đinh Xuân Bá, qua nghiên cứu tài liệu từ các nhà khoa học đầu ngành về trầm, kỳ ở nước ngoài thì nhiều khả năng trầm là một bệnh phẩm hay sản phẩm của sự nhiễm bệnh, nói cách khác, nó là sản phẩm của phản ứng tự vệ của cây chống lại sự nhiễm bệnh.
Sự hình thành trầm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: loài cây dó, thổ nhưỡng và thảm thực vật nơi cây dó sống, cây bị thương tích do sâu bọ đục lỗ hoặc do con người gây ra như khoan lỗ, cây bị nhiễm vi khuẩn, nấm mốc hoặc các loài ký sinh trên gỗ và đặc biệt là năng lực tạo ra phản ứng miễn dịch của cây dó...
Chính vì có nhiều yếu tố tác động mới khiến cây dó hình thành trầm hương trong điều kiện tự nhiên, không phải cây dó nào cũng cho trầm, kỳ mà hàng trăm, hàng ngàn cây mới có một cây cho trầm mà thôi.
Chính việc nắm được quá trình hình thành trầm, kỳ mà ở một số nước như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Nhật Bản... người ta trồng cây dó bầu rồi đục thân, tiêm vi trùng, nấm vào để tạo trầm nhanh chóng (phương pháp này được ông Bá gọi là kích cảm).
Thậm chí, các nhà khoa học Nhật Bản tại Trường đại học Kyoto đã dùng Methyl Jasmonate và Jasmonic acid (chất giúp tăng cường năng lực tự vệ của cây) tác động lên các tế bào của cây dó theo phương pháp nuôi cấy treo có thể tạo ra các chất chính của trầm hương chỉ trong vòng 7 ngày.
Theo những người chuyên “ngậm ngải tìm trầm” thì giả thuyết về khả năng tự vệ của cây dó sinh ra trầm sát với thực tế hơn cả. Bởi vì, kinh nghiệm đi rừng tìm trầm cho thấy, những cây dó bầu nào cao 30-50m, lá đã vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu như những tổ kiến hoặc gốc có gò mối đóng thì cây dó đó có thể cho trầm hoặc kỳ. Khi gặp những cây dó như thế thì phải hạ cây, trốc cả rễ và xả nát ra tìm vì trầm có thể kết ở rễ, gốc, thân, thậm chí ở tận ngọn cây.
Cũng theo những người tìm trầm, thời gian gần đây dễ kiếm được trầm hơn trước kia vì trong thời gian chiến tranh, những mảnh bom đạn đã ghim vào thân cây dó và trong quá trình kích thích dài tới vài chục năm, đến nay cây dó đã cho nhựa trầm.
Qua đây cũng xin giải thích để bạn đọc hiểu nội dung của từ “ngậm ngải tìm trầm” mà báo chí cũng như giới tìm kiếm, buôn bán trầm hương thường dùng.
Cây dó là loài thường mọc trong rừng sâu, núi cao, những nơi hiểm trở và xen lẫn với những loài cây khác nên rất khó tìm. Hơn nữa, hàng trăm, hàng ngàn cây dó mới có một cây cho trầm nên người ta phải luồn rừng hết ngày này tháng khác trong rừng để tìm kiếm.
Quá trình đi rừng dài ngày như thế, lương thực mang theo không thể đáp ứng được nhu cầu, nên khi hết lương thực, người đi rừng phải đào củ ngải, một loại riềng dại, có vị thơm dịu để ngậm, làm cho ruột đỡ cồn cào trong quá trình tìm đường về.
Vì cuộc hành trình dài ngày, vất vả nên khi trở về, người tìm trầm thường hốc hác, râu tóc xồm xoàm, quần áo rách mướp, trông chẳng khác gì người rừng, nên người đời thường tưởng tượng ra cảnh ngậm ngải tìm trầm lâu ngày sẽ biến thành người rừng. Cụm từ “ngậm ngải tìm trầm” chỉ sự vất vả, nhọc nhằn của những người đi khai thác trầm trong rừng sâu.
Quá trình tìm trầm cũng được huyễn hoặc hoá và được giới tìm trầm rất tin. Người ta tin rằng, chỉ có người sống lương thiện thì mới gặp được Thiên Y Ana, là hoá thân của trầm, kỳ. Chính vì vậy, trước khi xuất hành vào rừng, người ta phải ăn chay 3 ngày, tránh chung đụng với đàn bà, xuất hành vào ngày đẹp, giờ đẹp và trong quá trình đi rừng không được có ý nghĩ ám muội, gây gổ, đánh nhau...
Khi tìm thấy cây dó bầu có biểu hiện cho trầm thì phải nhịn đói để giữ mình tinh khiết, tìm đến suối tắm rửa sạch sẽ rồi cúng vái thần rừng để tạ ơn trước khi đốn hạ cây dó bầu tìm trầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét